Đề xướng CDIO hay sáng kiến CDIO (Conceive Design Implement Operate) là một dự án quốc tế lớn nhằm cải cách chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy của các trường kỹ thuật bậc đại học. Còn AUN-QA (ASEAN Uni versity Network – Quality Assurance) là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của toàn bộ chương trình đào tạo của các trường đại học Đông Nam Á. Từ năm 2013 cho tới nay, trường Đại học Thủ Dầu Một đã ứng dụng không ngừng những tiêu chuẩn và tiêu chí của cả CDIO và AUN vào việc xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm định chất lượng đào tạo để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của những sản phẩm đầu ra, đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập khu vực, tiến tới hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Ngành Quốc tế học tuy mới được thành lập ở trường Đại học Thủ Dầu Một từ 2019, nhưng cũng đã áp dụng rất triệt để bộ tiêu chuẩn CDIO và AUN từ khâu lập đề án mở ngành cho tới xây dựng đề cương giảng dạy, tuyển sinh đầu vào và đổi mới phương pháp dạy – học. Bài tham luận của chúng tôi sẽ tập trung vào sự kết hợp xây dựng chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy theo những bộ tiêu chuẩn CDIO và AUN mà chúng tôi đã và đang áp dụng triển khai có hiệu quả ở ngành Quốc tế học.
Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội là mục tiêu chung của các cơ sở giáo dục. Trường ĐH Thủ Dầu Một triển khai áp dụng đề xướng CDIO để xác định chuẩn đầu ra (CĐR) cho các ngành đào tạo, trong đó chú trọng năng lực về thực hành nghề nghiệp cho sinh viên (SV) là CĐR quan trọng. Có thể nói, tiếp cận CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa giảng dạy và thực tiễn. Tuy nhiên, nó đã đặt ra cho cả người dạy và người học những thách thức lớn. Bài viết trình bày thực trạng về năng lực nghề của SV nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT) và nêu lên một số giải pháp đã thực hiện tại Viện Kỹ thuật Công nghệ nhằm nâng cao năng lực thực hành nghề nghiệp cho SV đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay, kết quả học tập hay chuẩn đầu ra là yếu tố quan trọng nhất của một chương trình đào tạo, tất cả các hoạt động dạy – học và phương pháp đánh giá phải được gắn liền với kết quả học tập. Việc xây dựng kết quả học tập mong đợi/chuẩn đầu ra của sinh viên một cách cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, phù hợp… là yêu cầu của đề xướng CDIO và cũng là tiêu chí để đạt chuẩn kiểm định AUN-QA. Bài viết này, chúng tôi phân tích quá trình xây dựng chuẩn đầu ra theo CDIO, sự tương đồng trong việc xây dựng chuẩn đầu ra theo CDIO với kết quả học tập mong đợi theo chuẩn kiểm định AUN-QA. Kết quả cho thấy, một chuẩn đầu ra tốt theo CDIO sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để làm nên thành công của chương trình, mang lại lợi ích cho người học, giáo viên, nhà trường, nhà tuyển dụng và đáp ứng được chuẩn kiểm định theo AUN-QA.
Khoa Kinh tế Trường Đại học Thủ Dầu Một đã áp dụng chương trình đào tạo theo đề xướng CDIO làm bối cảnh đào tạo sinh viên từ năm 2016. Khoa Kinh tế đã áp dụng CDIO trong việc phát triển chương trình đào tạo cho cả 6 chương trình; cụ thể là Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản lý công nghiệp, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Du lịch. Trong quá trình xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, chúng tôi đã thực hiện khảo sát các bên liên quan để xác định chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, thiết kế chương trình giảng dạy hoà hợp tích cực đem đến kết quả học tập mong đợi đáp ứng chuẩn đầu ra. Bên cạnh đó, tất cả các chương trình đều áp dụng dạy học phần Nhập môn ngành cho sinh viên năm nhất, nhằm giới thiệu cho sinh viên một cái nhìn tổng thể về ngành nghề mà mình theo học, để sinh viên được trải nghiệm thực tế ngay từ năm đầu tiên. Từ đó, giúp sinh viên có đam mê và nhiệt huyết đối với ngành nghề đã chọn. Sinh viên được trải nghiệm không gian khởi nghiệp và sáng tạo ngay tại trường. Bài viết giới thiệu việc áp dụng 12 tiêu chuẩn CDIO vào việc cải tiến chương trình đào tạo của khối ngành kinh tế.
Kỹ thuật dạy – học KWLH là tên được viết tắt các từ tiếng Anh: Know, Want to Know, Learned và How to learn more. Kỹ thuật này được đề xuất bởi Donna Ogle vào năm 1986, nhằm cải thiện quá trình dạy - học, đặc biệt là việc hướng dẫn sinh viên học tập chủ động, tự nghiên cứu tài liệu. Dựa trên trải nghiệm kỹ thuật này trong giảng dạy các học phần, bài viết này chúng tôi phân tích các bước thực hiện kỹ thuật KWLH trong quá trình dạy - học trên lớp cũng như hướng dẫn sinh viên tự học nhằm giúp sinh viên tăng cường tính chủ động, tích cực trong việc học và đạt được chuẩn đầu ra theo Tiêu chuẩn 8 - Học tập chủ động của đề xướng CDIO.
Một chương trình đào tạo được thiết kế có các khóa học kiến thức chuyên ngành hỗ trợ lẫn nhau, có một kế hoạch rõ ràng trong việc tích hợp các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, và kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống là vấn đề cốt lõi của tiêu chuẩn 3 CDIO – Chương trình đào tạo tích hợp. Sự cần thiết phải phân tích chương trình học được thừa nhận và gán ban đầu các kiến thức, kỹ năng và thái độ vào chuẩn đầu ra môn học. Do đó, bài viết này các tác giả sử dụng chương trình đào tạo khóa 2018-2021 của chương trình Quản lý tài nguyên và Môi trường làm ví dụ cụ thể về việc đánh giá tổ hợp giữa phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá. Việc đánh giá tổ hợp này được duy trì mỗi hai năm để từ đó có sự điều chỉnh cần thiết cho các chương trình đào tạo trong tương lai.
Đề xướng CDIO: C (Conceive): Hình thành ý tưởng, D (Design): Thiết kế, I (Implement): triển khai, O (Operate): vận hành. Ở tiêu chuẩn 8 - Học tập chủ động và trải nghiệm, với tinh thần của tiêu chuẩn này, nhóm tác giả thực hiện bài viết ứng dụng tiêu chuẩn 8 vào học phần xây dựng hệ thống quản lý môi trường – ISO 14001có tính chất thực hành nhằm phân tích cách thức thực hiện tiêu chuẩn theo tinh thần của đề xướng. Trong học phần thực hành, Giảng viên hướng dẫn sinh viên học tập chủ động bằng cách giao cho sinh viên chọn lựa một địa điểm mà sinh viên dễ dàng tiếp cận thực hiện phân tích các điều khoản và xây dựng hệ thống. Đối với tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 thì việc hiểu tiêu chuẩn đã khó, tiếp cận một đơn vị để ứng dụng việc hiểu của mình còn khó hơn. Với việc xây dựng được hệ thống quản lý môi trường, buộc sinh viên phải được tiếp cận gần nhất với đơn vị, được đơn vị tiếp nhận và tạo điều kiện quan sát làm bài. Việc giảng viên cho sinh viên lựa chọn bất kỳ đơn vị nào, và khuyến khích sinh viên chọn các đơn vị là những nơi sinh viên đang làm thêm, nơi quen biết để sinh viên có nhiều điều kiện để quan sát và thực hành.